Thông tin bài viết
- Tiết kiệm không phải phung phí, cũng không phải hà tiện.
- Vậy như thế nào là sự tiết kiệm đúng đắn?
Tiết kiệm không phải phung phí, cũng không phải hà tiện.
Vừa qua, cuộc phát động Hưởng ứng giờ Trái Đất Việt Nam được rất đông đảo các bạn trẻ đón nhận cũng như tham gia rất nhiệt tình.
Theo thông kê, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An và 60 tỉnh, TP đã đồng loạt tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 ngày 19 tháng 3 hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2016. Thống kê từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong 1 giờ tắt đèn, Việt Nam đã tiết kiệm được 451 MW tương đương 451000 kWh điện, tiết kiệm được 731,544 triệu đồng. Một kết quả rất đáng khích lệ.
Dẫn chứng cụ thể này cho thấy, một phần lớn nước ta đặc biệt là các bạn trẻ đã sớm có ý thức sống tiết kiệm, sống có lý tưởng cao đẹp, luôn hoạt động vì lợi ích cộng đồng. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.” Huy động tập thể người dân cả nước, hành động ý nghĩa này đã góp phần tiết kiệm mạng lưới điện cho quốc gia với số tiền cực lớn.
Cá nhân Thủy đã từng dùng rất phung phí điện, đó chính xác là một sai lầm nghiêm trọng. Vì vâỵ, với mong muốn thể hiện hết tâm tư mình, Thủy mong muốn gửi đến bạn một lời kêu gọi. Hãy Tiết Kiệm. Ở đây, hiểu rằng không chỉ riêng điện mà còn nhiều vật dụng, nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Dùng hoang phí điện chính là lấy hết tiện nghi của mọi người, đây được xem như quan điểm đầu tiên. Có một thời gian quốc gia bị thiếu điện trầm trọng, nhà nước kêu gọi tiết kiệm điện, mọi nơi đều tìm giải pháp để tiết kiệm điện, thì trên báo đã xuất hiện phản hồi của một độc giả:” Tôi xài điện, tôi trả tiền, tôi xài nhiều, tôi trả nhiều, thì không mắc mớ gì bắt tôi phải tiết kiệm!”
Bạn nghĩ phát ngôn này như thế nào? Mình cho rằng điều này sai hoàn toàn. Như vậy, bạn cực giàu là bạn xài hết điện của người khác phải không ạ? Bởi vì sản lượng điện của quốc gia chỉ có chừng ấy thôi, và trong cái chừng ấy này, nhà nước cố gắng chia đồng đều để ai cũng được hưởng, nhưng mà ta ỷ giàu, “tôi có quyền tôi trả tiền điện, tôi sẽ xài thoải mái, vì tôi tiền nhiều mà”, vô tình để bản thân rơi vào trạng thái ích kỉ. Như Thủy đã nói ở trên, đây là hình thức lấy hết tiện nghi về điện của mọi người. Hành động này được mọi người gọi là ” Ác”. Như các thông tin chúng ta cập nhật, vẫn còn rất nhiều nơi họ thiếu điện, thiếu ánh sáng, không tiện nghi bằng chúng ta. Ta phải cảm thấy rằng mình thật hạnh phúc.
Vậy như thế nào là sự tiết kiệm đúng đắn?
Thủy muốn gieo rắc đến người bạn của mình một thông điệp, khi ta tiêu dùng việc gì hãy nghĩ đến những người bình thường, hơn nữa hãy nghĩ đến người khốn khổ và đừng để sự tiêu dùng của mình vượt quá xa so với người đó, thì đó là hình thức của sự tiết kiệm đúng đắn. Trường hợp ta không nghĩ đến những người này, ta xài phung phí, chẳng hạn xịt nước tắm quá tay khi trời nóng bức, bật quạt, tivi không tắt khi không ai sử dụng….đều là hình thức tiêu hao, phung phí.
Ông bà ta có dặn, một hột cơm rơi cũng nhặt lên mà ăn. Ở đây thấy rằng, ông bà ta cực kỳ sáng suốt, dù rằng nó như không vệ sinh, nhưng đó chính là thái độ mà chúng ta tôn trọng bao nhiêu công lao nằm trong mỗi hạt cơm đó. Tiết kiệm không chỉ nằm trong hành động mà còn hàm chứa cả trí tuệ của mỗi người như Thủy và bạn.
Tại sao ta phải tiết kiệm từng chút? Vì ta có đạo đức tôn trọng từng công lao của người sản xuất ra món đồ vật. Những sản phẩm gì khi đến tay ta, hãy nhìn một chút về khía cạnh người sản xuất. Họ cẩn thận từng chút để làm ta hài lòng. Chẳng hạn để dệt nên một cái khăn, ta chỉ cần cầm nó rồi lau, đôi khi ta không để ý, những người làm ra họ phải chăm chút từng góc từng cạnh. Xem xét cái này đã ngay chưa, cái này có lỗi không, kích thước đã chuẩn chưa, có xê dịch centimet nào không, …v….v..
Bản thân Thủy cũng đã từng rơi vào trường hợp trên nên rất thấu hiểu công sức vất vả của người dân lao động. Nếu bạn cũng đã từng trải qua tình trạng như trên chắc chắn sẽ quý giá sức lao động và thêm lòng yêu quý họ hơn rất nhiều. Bởi vì công sức chúng ta bỏ ra nhằm mang lại lợi ích, sự hài lòng cho khách hàng Còn rất nhiều người thì không để ý, không nhớ đến cái tâm của người của người sản xuất, vài trường hợp còn nói ra những lời không đẹp, không trân trọng sức lao động của mọi người, thì xét sâu xa đó chính là sự vô ơn, bạc bẽo.
Thủy tin rằng tất cả chúng ta đều có ý thức tiết kiệm, vì cộng đồng, vì sự phát triển của bản thân, của quốc gia. Hãy thực hành thói quen sống tiết kiệm, để biết trân trọng thương yêu mọi người, để ta sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Vì Tiết Kiệm cũng là Đạo Đức.
Ngô Phạm Thu Thủy